phúc không phụ thuộc vào việc bạn là ai hay có gì, mà chỉ phụ thuộc vào cách nhìn nhận và suy nghĩ của bạn về cuộc sống. Hạnh phúc ở ngay trong tâm hồn, trong trái tim mỗi người. *** Hạnh phúc là gì? Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc khác nhau: người cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền của, vàng bạc, kẻ cho rằng hạnh phúc là có trong tay quyền lực, địa vị, danh vọng... Còn đối với tôi, hạnh phúc là một chuyến đi mà trong cuộc hành trình ấy, dù trải qua vất vả hay thử thách của cuộc sống ta vẫn dũng cảm vượt qua và đem lại hạnh phúc cho mọi người xung quanh đặc biệt là những người thân trong gia đình. Mẹ tôi là một người phụ nữ mang vẻ đẹp truyền thống với khuân mặt trái xoan và nụ cười nhân hậu. Cái nghề mẹ chọn cũng là một nghề truyền thống của gia đình: giáo viên. Còn bố tôi là người “bộ đội cụ Hồ”. Nhắc đến bố tôi là nhắc đến niềm vui. Hồi bé khi tôi đi học mẫu giáo, vì ngày ấy điều kiện gia đình khó khăn, bố cõng tôi vắt vẻo trên cổ 3 cây số để tôi đến trường rồi hết giờ lại lên đón tôi về. Lúc đó còn nhỏ, tôi chỉ thấy thích thú kiểu trẻ con nhưng khi lớn lên nhìn lại tấm áo ngày xưa bố đưa đi học lấm tấm vết mốc tôi hiểu rằng để cho tôi đến trường, lưng bố đã ướt đẫm mồ hôi và đã còng theo năm tháng... Có thời gian nhà tôi bán đất, điều kiện kinh tế khấm khá hơn trước, tôi nhớ có lần thấy bố cặm cụi cuốc đất trồng lạc giữa trời nắng chang chang liền vội chạy ra bảo bố: “Bố ơi, bố trồng làm gì cho vất vả ra, hôm nào ăn con chạy vèo ra chợ mua là được”.
Bố cốc yêu vào trán tôi rồi từ từ nói: “Cha bố cô, chỉ chợ là tài. Bố trồng để hôm nào nhỡ bữa không kịp mua cái ăn chỉ cần rang mấy hạt lên là có thứ chén. Bố vẫn làm được thì bố cứ làm…”. Tôi nghe thấy bố bảo vậy cũng xắn áo lên làm cùng bố. Hai bố con vừa làm vừa nói chuyện “trên trời dưới bể’’ nên quên cả mệt. Nửa đêm tôi học bài thấy bố vẫn thức ngồi ngoài phòng khách bèn chạy vào phòng hỏi mẹ thì mẹ thở dài bảo: “ Vết thương hồi chiến tranh của bố con lại tái phát đấy! Trằn trọc mãi chẳng ngủ được nên ông ấy dậy uống thuốc”. Nghe mẹ nói tôi thương bố quá! Thời trẻ bố đi bộ đội chống Mĩ bị thương ở bả vai. Bây giờ mỗi khi trở trời hay hoạt động mạnh lại đau nhưng bố vẫn kệ. Bố thường bảo: “Ngày xưa cận kề cái chết còn chẳng sợ thì mấy cái đau đớn này có là gì!” Bố luôn như vậy, cố gắng chịu đựng vất vả, khổ đau để ba mẹ con tôi yên tâm. Bố tựa như bức lá chắn bao bọc lấy mẹ con tôi trong cuộc sống này. Chị gái tôi thì là một người hiền dịu. Có lẽ tính cách ấy được thừa hưởng từ mẹ tôi. Chị em tôi lúc nào cũng dính chặt lấy nhau như hình với bóng. Đối với tôi khi ấy, hạnh phúc là được sống trong tình yêu thương của gia đình: là những buổi tối cả nhà vác chõng tre ra ngoài hiên hóng mát, là những bữa cơm rôm rả tiếng cười hay là được co tròn trong lòng bố nghe kể chuyện đánh Mỹ. Mọi việc có lẽ sẽ cứ yên bình trôi qua nếu không có những biến cố xảy ra trong gia đình tôi… Năm tôi học lớp 11, chị tôi phát hiện bị ung thư. Vậy là toàn bộ số tiền gia đình dành dụm dành hết để chữa bệnh cho chị. Nhưng cuối cùng mọi cố gắng nỗ lực của y học cùng phải bó tay. Căn bệnh quái ác đã cướp chị tôi đi. Cả gia đình đau xót tột cùng vỡ òa trong nước mắt. Mẹ tôi không chấp nhận được thực tại ngất lên ngất xuống. Trước khi đi chị nắm lấy tay tôi và dặn: “ Cố gắng học em ạ. Em phải học thật tốt, mai sau khá giả để còn chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi cao sức yếu…” Lời dặn dò của chị tôi luôn ghi nhớ trong lòng. Lúc ấy, tôi chỉ biết nắm lấy tay chị và nghẹn ngào nói: “Em hứa, em sẽ cố gắng! Chị yên tâm”.
Cũng từ sau chuyện đấy, sức khỏe của bố tôi ngày càng yếu đi vậy nên mẹ phải bán thêm chè buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Ngày ngày mẹ vẫn đi dạy học rồi tối về nhà lại tất tả chuẩn bị nguyên liệu cho các món chè. Thấy mẹ vất vả nên tối tôi cùng mẹ làm. Mẹ lo tôi ảnh hưởng đến học hành nên toàn giục tôi vào phòng học nhưng tôi bảo mẹ: “Tí nữa vắng khách con sẽ học. Mẹ yên tâm…”. Tôi thi vào trường Chuyên của tỉnh nhưng thiếu 0,25 điểm nữa là đỗ. Lúc ấy tôi thấy mình sao kém cỏi và thiếu may mắn thế. Tất cả mọi thứ chẳng hề theo ý tôi: Chị là người an ủi, động viên và luôn bên cạnh tôi thì đã đến một thế giới khác, bố đau yếu thường xuyên, một mình mẹ làm lụng nuôi sống cả gia đình, tôi thì chẳng thực hiện được ước mơ của mình… Tôi thấy cuộc sống của mình sao u ám tăm tối đến thế. Cuối cùng, tôi vào học tại một trường cấp III gần nhà và cố gắng học hành. Vì buồn bã, chán nản, một thời gian dài tôi sống khép kín, bó hẹp cuộc sống của mình. Thời gian thấm thoắt trôi đi, tôi bước vào kì thi đại học và thi đỗ vào trường đại học mà từ thưở bé tôi luôn ao ước. Ngày báo kết quả, cả nhà tôi vui mừng sung sướng lắm. Bố nói với tôi: “Vui lắm phải không con? Nhà mình giờ nghèo nhưng chí không nghèo. Cố gắng vượt qua khó khăn học tập tốt con nhé”. Mẹ thì lén lau nước mắt. Thấy mẹ khóc, bố bảo: “Cái bà này, con nó thi đỗ thì phải vui chứ lại khóc thế kia…”. Mẹ nghẹn ngào nói: “ Em khóc vì vui mừng quá đấy bố nó ạ…”.