Hiền là chị tôi. Chị họ, mẹ bảo vậy. Hai bác cũng bảo vậy. Chị họ cũng là chị, tôn ti trật tự đàng hoàng, máu loãng hơn nước lã. Tôi biết, rất biết. không cần mẹ dạy, không cần mẹ rằn rực, răn đe mỗi bận nghe hai đứa bà bà tui tui. Hai bác tế nhị hơn, chỉ xa xôi: con Hiền lớn hơn, lại là chị, liệu mà cư xử cho ra chị…. Thống nhất ý chí gớm, rõ rồi. Hiền lớn hơn tôi thật. Hơn một tuổi. Trên một lớp. Có điều thân thì vẫn thân. Còn vì sao thân, hãy bắc thang lên mà hỏi ông trời…
Hiền là chị tôi. Là chị; tôi luôn nhớ điều này như in trong những kiến văn được lập trình sẵn cho lí trí. Có điều, trong những giấc mơ, tôi hay quên bẵng điều đó. Tôi thấy Hiền là bạn, là em, thậm chí là… mẹ tôi. Mẹ, bạn, em; nhưng chưa bao giờ là chị. Phải; Hiền chưa bao giờ là chị tôi. Trong mơ, kì cục chưa, tôi thấy tôi bá vai bá cổ Hiền. Tôi thấy tôi nũng nịu, vòi vĩnh cùng Hiền. Tôi thấy tôi cầm tay dắt Hiền đi chơi; thậm chí… bồng bế Hiền trên tay, hay những cảnh tượng khùng điên hơn! Ác mộng; tôi biết; nhưng đó là những ác mộng thường xuyên lặp lại từ khi chúng tôi bắt đầu bước một chân qua khỏi ngưỡng cửa tuổi thơ, từ khi mắt tôi bất chợt nhận ra những đường cong thiếu nữ lộ hằn sau chiếc áo ướt mưa dán sát người Hiền ngày hai đứa chở nhau qua quãng đồng mắc mưa không chỗ trú. Run bắn người, như điện giật; nhất là khi nhận ra hai cái núm hồng xinh xinh lấp ló mơ hồ trên hai chóp núi đôi. Và còn nữa; còn một vệt đen mờ ẩn hiện giữa cặp đùi gói trong chiếc quần lụa trắng cũng bị mưa làm dính bết! Hiền vô tư lắm; cười khanh khách, luôn mồm kêu lạnh, không nhận ra mắt tên em họ đang lạc thần…
Tôi biết, tôi đã bỏ lại tuổi thơ của mình, vĩnh viễn đánh mất tuổi thơ của mình, trên cánh đồng chiều ấy, sau cơn mưa.
Ác mộng nào cũng vậy. Giãy giụa. Gào thét. Quẫy đạp. Những nỗ lực tuyệt vọng, điên cuồng để mong chạy trốn. Trốn khỏi cái thực tại mộng mị. Cái thực tại không đội trời chung cùng thực tại! Đau đớn, tuyệt vọng, rã rời khi không thể trốn chạy; khi nhận ra rằng: mình thật sự không thể trốn chạy. Đừng ai bảo rằng trong mơ con người không ý thức. Ý thức vẫn hiện hữu, lạnh lùng quan sát mọi sự, quan sát cuộc đấu tranh tuyệt vọng của nạn nhân – con người cố rút chân ra khỏi vũng lầy thực-tại-mộng-mị. Quan sát mà không can thiệp (mà thực ra cũng không thể nào can thiệp). Hiền là chị, chị họ tôi, tôi biết. Ngay cả trong những giấc mơ điên khùng nhất của mình tôi vẫn biết. Biết; đó chính là điều khủng khiếp nhất; là căn nguyên cần và đủ để biến những giấc mơ tôi thành ác mộng!
Chiến tranh với chính mình luôn là một cuộc chiến tranh đáng sợ; thập phần đáng sợ. Trong cuộc chiến ấy, con người luôn phải đơn độc mà chiến đấu, tuyệt không một chiến hữu đồng hành.
Nhưng thôi; hãy kệ thây tôi với những ác mộng của tôi. Đó là vấn đề của riêng tôi. Của riêng Tiểu Vũ Trụ tôi (mỗi con người là một Tiểu Vũ Trụ). Nó không ảnh hưởng đến ai. Hòa bình thế giới vẫn được duy trì vẹn nguyên. Hiền (tôi muốn nói: chị Hiền!) vẫn vô tư nói cười, vẫn vô tư ngồi sau xe cho tôi chở lông nhông từ sau buổi chiều có cơn mưa ấy. Mẹ tôi, rồi hai bác, vẫn yên tâm khi thấy bọn tôi tôn ti ra trò lúc có mặt người lớn. Mấy lúc ấy, Hiền đúng là một “bà chị” thực sự, nghiêm khắc và kẻ cả (diễn không tệ!); chỉ thi thoảng đệm bằng một cú bụm miệng cười sau lưng rất quái! Ai đó bảo: cuộc sống là sàn diễn; và chúng tôi đang chơi trò diễn kịch (hoặc vũ hội giả trang). Hiền bảo: ông diễn kém, để tui…. Nhất trí. Và, trước mặt mọi người, tôi nhường Hiền vai chính; còn tôi chỉ thủ một vai phụ, rất phụ. Hạn chế đối thoại đến mức hệt diễn viên tuồng câm; giơ tay… ra dấu là chính. Vậy mà thi thoảng hạ màn vẫn bị Hiền ỏng eo: có mỗi cái… ra dấu mà ra cũng không nên!
Tội cho Hiền (tôi muốn nói: chị Hiền); chị Hiền không biết, không hề biết, tôi